Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Chấn thương trong tennis - Những khoảng lặng cuộc đời

Có thể nói, Rogers Cup là một trong những giải đấu thuộc hệ thống Masters (tại Toronto, Canada) từ ngày 5 đến 11-8 là cuộc tập dượt quyết định cho giải đầu Grand Slam cuối cùng trong năm – US Open. Nhưng Rogers Cup năm nay thiếu vắng hàng loạt các tay vợt mạnh vì  chấn thương. Trước hết là tay vợt nữ hạng 2 thế giới Maria Sharapova. Chấn thương hông từ giải Wimbledon trước đó khiến Sharapova không thể tham dự. Hai ngày trước khai cuộc, đến lượt tay vợt cựu số 1 thế giới Roger Federer cũng tuyển bố rút lui vì chấn thương lưng.
 
Thật ra sự vắng mặt của anh đã được dự báo khi trong tháng 7 cũng vì chấn thường này anh đã thua hai tay vợt có thứ hạng thấp hơn mình rất nhiều là F. Delbonis (hạng 114) và D. Brands (55). Vài giờ trước giải, tay vợt nữ hạt giống số 2, Victoria Azarenka cũng rút lui vì chấn thương lưng. Cú trượt chân và té trong trận gặp Koehler trước đó được cho là khá nặng và cô đã phải có sự can thiệp của bác sĩ mới có thể thi đấu tiếp. Chưa hết, ngay trước vòng 1 của Rogers Cup, đến lượt tay vợt người Anh Laura Robson rút lui vì chấn thương. Thật sự là… ngợp vì chấn thương.
 
Tất nhiên, có thể hiểu thời gian dưỡng thương cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi trước thềm trận đánh lớn nhưng với các tay vợt chuyên nghiệp, bỏ qua một cơ hội để kiếm tiền (điểm số cao sẽ giúp các tay vợt giành gấp đôi số tiền thưởng ở giải Mỹ mở rộng sau đó). Có thể nói với cuộc đời các tay vợt, thời gian nghỉ thi đấu vì chấn thương là những khoảng lặng đáng sợ. Rafael Nadal đã từng nhìn nhận thời gian nghỉ thi đấu đến tháng 7 tháng ròng vì chấn thương là khoảng thời gian đòi hỏi phải có ý chí và sự phấn đấu nỗ lực mới có thể vượt qua.
 
So với vài năm trước mặt sân thi đấu, giày, thậm chí vợt và cả dây vợt cũng đã được thay đổi rất nhiều để giúp các tay vợt phát huy tối đa sức mạnh của mình và giảm thiểu khả năng chấn thương. Tuy nhiên sự tiến bộ của công nghệ dường như luôn có mặt trái của nó khi tốc độ nhanh hơn buộc VĐV phải di chuyển nhiều hơn và cùng với vòng xoay của guồng máy “kiếm tiền” khi các giải đấu trở nên dày đặc hơn vì sự cải tiến của dụng cụ vẫn chưa đủ để bù đắp.
 
Trong tennis chấn thương nào cũng ảnh hưởng đến kỹ thuật nhựng chấn thương lưng hay khuỷu tay mới thật sự là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Đã có tổng kết 10 người bị đau khuỷu tay (elbow). Nguyên nhân được các nhà khoa học thể thao khẳng định là do chơi sai quy cách, do tập quá sức, do vợt quá nặng hoặc lưới đan quá căng, cán vợt quá lớn so với bàn tay, mặt sân quá cứng hoặc không khởi động kỹ… Nhưng ngay cả các tay vợt chuyên nghiệp cũng không thể “thoát” khỏi nỗi ám ảnh này và với họ thì chắc chắn cái gọi là nguyên nhân ở trên lại không hề chính xác. Thử hình dung: với tốc độ giao bóng trên 200km/giờ của các tay vợt chuyên nghiệp và không ít các tay vợt nghiệp dư có thể giao bóng trên 100km/ giờ thì khớp tay chịu sự va đập mạnh đến mức nào khi đỡ hay đánh trả trái bóng.
 
Chính vì vậy tennis elbow (còn gọi là hội chứng tennis) thực chất là tình trạng viêm hoặc rách gân cơ duỗi tại chỗ bám vào xương lồi cầu phía ngoài khuỷu tay. Việc nhóm gân, cơ này bị tổn thương, suy yếu phần lớn do phải chịu đựng lực căng, kéo do sự vận động quá sức tạo nên… Nói tản mạn đến chuyện chấn thương để nghiệm ra một điều: chấn thương trong thể thao nói chung và tennis nói riêng luôn gắn liền với cuộc đời VĐV như là một định mệnh. Và đã chấn thương thì không thể thi đấu hay chơi thể thao. Có nghĩa với các tay vợt, ngoài “tuổi thọ” trong nghề quá ngắn còn luôn bị ám ảnh chấn thương treo lơ lửng trên đầu khiến cuộc đời thể thao của họ có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.
 
Trong nhiều bài viết của mình tôi vẫn luôn nhắc đến việc ai cũng có thần tượng của mình và với tôi Roger Federer là một thần tượng như vậy. Chính vì thế cũng như nhiều người hâm mộ anh, khi chứng kiến cảnh anh thua trước các tay vợt hạng thấp hơn mình 50 hay 100 bậc mới thấy ngậm ngùi. Thậm chí từ đầu năm 2013, đến tận tháng 4 anh không thể vào chung kết bất cứ giải đấu nào và mãi đến tháng 6, mới có một chức vô địch đầu tiên (giải Halle Open) mới thấy sự nghiệt ngã của năm tháng. Tay vợt có cú đánh uy lực, lối chơi lịch lãm, một thời được ví như tàu tốc hành khi nghiền nát đối thủ vậy mà cả 3 giải Grand Slam trước Mỹ mở rộng thì bị loại ở bán kết Ausralian Open, rơi đài ở tứ kể Roland Garros và tệ nhất là bị loại ở vòng 2 Wimbledon, mới đây là Vòng 4 US Open. Có thể dự báo trước khoảng thời gian còn lại và có lẽ đến lúc người ta sẽ phải dùng đến cụm từ mà trước đây chỉ dành cho các đối thủ của anh đó là: Bất ngờ giành chiến thắng.
 
Nhưng Roger Federer đã có tất cả. Ngoài các danh hiệu vô địch (khó thể đếm hết) và số tiền thưởng anh kiếm được sau 15 năm chơi tennis chuyên nghiệp gần 77 triệu đô la thì anh còn kiếm thêm không biết bao nhiêu là tiền từ các hợp đồng quảng cáo. Hàng triệu các tay vợt nhà nghề khác phải chấm dứt cuộc đời cầm vợt của mình mà chẳng hề có gì. So sánh nhỏ để thấy nỗi ngậm ngùi lớn của nghiệp tennis.
 
Tôi gọi chấn thương trong tennis như những khoảng lặng của cuộc đời VĐV. Nhưng khoảng lặng cũng có thể là dấu chấm hết. Đối diện với thực tế này để những nhà làm thể thao chuyên nghiệp (được phân công chỉ chăm lo cho thể thao) và cả các tay vợt đã và đang khao khát trở thành một tay vợt chuyên nghiệp biết trân trọng khoảng thời gian sống của mình và của đối tượng mình và của đối tượng mình phải quan tâm, chăm sóc, sự thờ ơ, vô cảm với tuổi thọ thể thao đồng nghĩa với sự lãng phí thứ tài sản mà ai cũng biết đầu tư đó là thời gian.
Và đó mới là chấn thương lớn nhất của cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét